Tin tức
Đạo diễn Xuân Phước: 'Tôi làm phim nhanh nhưng không ẩu'
Ngày đăng :01-04-2017 04:13:02 PM - Đã xem :549
Đạo diễn phim "Tơ đồng vương vấn" cho hay, anh có cách tổ chức, sắp xếp riêng để hoàn thành một tập phim truyền hình chỉ từ một đến hai ngày.
Là người sản xuất phim từ thập niên 1990, anh nhận định thế nào về sự thay đổi của phim truyền hình hiện nay?
- Trong hơn 20 năm qua, phim truyền hình Việt Nam phát triển nhanh về số lượng. Chủ trương xã hội hóa phim truyền hình đưa đến tình trạng nhà nhà làm phim, khiến nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này tăng lên đáng kể. Các nhà sản xuất tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài là nhân tố đưa đến nhiều diện mạo mới cho phim truyền hình. Điều kiện sản xuất phim như bối cảnh, diễn viên, phục trang… cũng thuận lợi hơn trước.
Phim truyền hình hiện nay khai thác nhiều đề tài, khía cạnh trong cuộc sống, đem đến nhiều lựa chọn cho khán giả. Tuy nhiên, thách thức với người xem lại lớn hơn vì bên cạnh những phim hay, vẫn còn nhiều phim kém chất lượng.
- Anh lý giải thế nào về chất lượng không đồng đều giữa các phim?
- Hơn 10 năm qua, kinh phí làm phim gần như không thay đổi. Thù lao diễn viên, các khoản chi khác đều tăng nhưng kinh phí cho mỗi tập phim không tăng đáng kể. Các nhà sản xuất thường xuyên rơi vào cảnh làm phim trong tình trạng liệu cơm gắp mắm.
Đạo diễn Xuân Phước (áo đen) cùng diễn viên Minh Lâm trên trường quay phim "Tơ đồng vương vấn". |
- Trong khi các đoàn phim giảm bớt nhân lực để tiết kiệm chi phí sản xuất, vì sao anh vẫn duy trì một êkíp làm việc khá đông?
- Đúng là êkíp của tôi rất đông, có lúc lên tới hơn 50 người. Quân số đông như vậy mà quản lý không tốt, mọi việc sẽ rối loạn. Nhưng êkíp này đã theo tôi gần chục năm nên làm việc khá ăn ý.
Tối giản nhân lực có thể tiết kiệm được nhưng chưa chắc hiệu quả bằng tiết kiệm thời gian. Người càng đông thì công việc càng nhanh, tôi không mất thời gian chờ diễn viên, chờ tạo dựng bối cảnh, chờ phục trang hay âm thanh, ánh sáng. Với số lượng nhân lực lớn như vậy, tôi tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Thay vì quay ba ngày một tập phim, tôi có thể rút xuống thành hai ngày, một ngày. Mỗi ngày quay, tôi tiết kiệm được gần 50 triệu đồng.
- Ngoài đông nhân lực, anh làm thế nào để đạt được tốc độ quay hai ngày một tập phim?
- Để quán xuyến được công việc và đảm bảo tiến độ làm việc, tôi có những nguyên tắc riêng và yêu cầu diễn viên cũng như các thành viên trong đoàn phải tuân thủ nghiêm ngặt. Chẳng hạn, diễn viên phải cầm kịch bản đến phim trường, không được lệ thuộc vào thư ký hay người nhắc thoại.
Nhiều đoàn phim làm việc theo cách quay đi quay lại nhiều lần một phân đoạn để lấy các cảnh toàn, trung, cận. Nhưng tôi chỉ quay một lần, một máy bắt toàn, một máy bắt cận. Làm vậy vừa tiết kiệm thời gian, vừa đảm bảo được chất lượng phim. Những lần diễn đi diễn lại, cảm xúc của diễn viên bị chai, thường không tốt như những lần đầu.
Phần lớn ở các đoàn quay, ai rảnh thì ăn trước nhưng riêng đoàn của tôi, đến giờ là tất cả cùng ăn. Tôi thấy bất hợp lý khi người làm cực chưa được ăn còn người nhàn nhã lại ăn trước. Làm vậy không công bằng, dễ tạo tâm lý so sánh. Việc thống nhất chung một giờ ăn cơm vừa giúp tiết kiệm thời gian, vừa tạo không khí thân tình trong đoàn.
- Tốc độ làm phim nhanh chóng như vậy dễ bị đánh giá là làm ẩu. Anh nghĩ sao?
- Thường người ta nói nhanh là ẩu. Nhưng người ta không biết, vì sao tôi làm nhanh. Chẳng qua là tôi biết sắp xếp, tổ chức công việc một cách khoa học nên tiến độ giao phim luôn đảm bảo. Nếu tôi làm ẩu, tại sao nhà đầu tư vẫn tin tưởng, tiếp tục giao phim cho tôi? Nhiều nhà sản xuất từng giãi bày, khi nghe “đồn” tôi làm ẩu, họ cũng tỏ ra e ngại nhưng những người từng làm việc với tôi đều thừa nhận khả năng tổ chức sản xuất của tôi.
Xuân Phước căng lều bạt cho êkíp nghỉ giữa các cảnh quay trong tiết trời nắng nóng. |
- Ngoài kinh phí, anh còn thấy khó khăn chung nào của việc làm phim hiện nay?
- Kịch bản là điều mà gần như các nhà đầu tư đều phải tính. Đề tài được khai thác quá nhiều nhưng lượng người viết tốt quá ít. Phần lớn nhân lực viết kịch bản hiện nay thiếu chuyên nghiệp do không được đào tạo bài bản. Họ chỉ nghĩ ra những câu chuyện mà quên mất yếu tố hình ảnh mới là cốt lõi trong một kịch bản phim truyền hình.
Làm biên kịch hay đạo diễn đòi hỏi rất nhiều vốn sống. Các biên kịch hiện nay phần lớn là người trẻ, họ có sáng tạo bất ngờ nhưng lại thiếu những kiến thức phổ thông. Nhiều tác giả viết cho sướng cái cảm xúc của mình mà không biết ra ngoài thực tế không thể thực hiện được những cảnh quay đó. Chẳng hạn, ở Việt Nam, rất khó quay được cảnh “nhìn qua cửa sổ máy bay nhớ về người yêu”.
- Theo anh, làm thế nào để khắc phục được tình trạng này?
- Việc này rất khó, thường thì các hãng phim đặt hàng những người viết tốt. Nhưng những người viết tốt thường chuyên tâm cho một tác phẩm họ thai nghén mà không có điều kiện nhận cùng lúc nhiều đơn đặt hàng.
Đối với những phim ngắn, khi nhận kịch bản, chúng tôi thường chuyển thể các cảnh bằng hình vẽ (story board) để êkíp dễ tác nghiệp hơn trên phim trường. Cách chuyển thể nội dung bằng hình vẽ này cũng khắc phục được nhiều lỗi hình ảnh trong văn bản chữ. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ áp dụng cho phim ngắn, đối với phim dài tập, công đoạn chuyển thể story board tốn rất nhiều thời gian, công sức và cả tài chính.
Châu Mỹ thực hiện
Bài viết khác
- ĐẠO DIỄN XUÂN PHƯỚC TẬP HUẤN KIẾN THỨC CHO ĐỘI NGŨ ICT VIỆT NAM (01.03.2017)
- Phim: Cái Bóng Bên Chồng (24.02.2017)
- PHIM PHẬT GIÁO: TỈNH MỘNG (22.02.2017)
- DĨA CƠM TRÊN TƯỜNG - Một Phóng sự hay - hãng phim XUÂN PHƯỚC (22.02.2017)
- Vợ chồng nghệ sĩ ngoài đời lên phim cũng vợ chồng (15.02.2017)
- Thu Thảo - Tác giả đi đóng phim... (06.02.2017)
- Đinh Dậu đầu năm hanh thông (06.02.2017)
- Gặp lại danh hài Bảo Quốc trong phim 'Tết, tết, tết...' (06.02.2017)
- Khi người Việt tìm kiếm thông tin phim ảnh: Phim rạp lép vế (23.01.2017)
- Quá chán xe hơi, nhà lầu, người xem tìm coi phim xưa (23.01.2017)